Lạc (Arachis hypogaea L.) là cây thực phẩm, cây họ đậu làm tốt đất, cây lấy dầu có giá trị kinh tế cao, được trồng ở hơn 100 nước trên thế giới, với diện tích khoảng gần 22 triệu ha, sản lượng lạc vỏ đạt 33 triệu tấn, trong đó sản lượng lạc ở các nước đang phát triển gấp 10 lần các nước phát triển. Ở Việt Nam, lạc là sản phẩm quan trọng để xuất khẩu và sản xuất dầu ăn mà hiện nay nước ta còn phải nhập khẩu. Hơn thế nữa, cây lạc đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống nông nghiệp ở vùng nhiệt đới bán khô hạn như Việt Nam nơi mà khí hậu biến động và canh tác đặc biệt khó khăn.Trong số 25 nước trồng lạc ở châu Á, Việt Nam đứng hàng thứ 5 về sản lượng nhưng năng suất thì còn thấp.
Những năm gần đây các nhà khoa học nghiên cứu về lạc của Việt Nam đã tập trung tổng kết kinh nghiệm các điển hình tiên tiến trong thực tiễn sản xuất, tiếp cận với thành tựu khoa học về lạc của thế giới, nghiên cứu đề xuất các kỹ thuật trồng lạc mới phổ biến rộng rãi cho nông dân góp phần làm tăng năng suất lạc ở Việt Nam.
Giống lạc Giống lạc L23 được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ - Viện cây Lương thực cây Thực phẩm chọn lọc từ tập đoàn nhập nội của Trung Quốc năm 2001. Đã được Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, Sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia khảo nghiệm sản xuất năm 2007 tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An. Hai giống lạc L23 đã thể hiện được tính ưu điểm về khả năng chống chịu bệnh và năng suất. Năng suất khảo nghiệm của giống L23 đạt 41,06 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng L14 (L14 đạt 35,60 tạ/ha).
Giống lạc L23 thuộc dạng hình thực vật Spanish, thân đứng, tán gọn, chống đổ tốt, lá xanh đậm, sinh trưởng khoẻ, ra hoa kết quả tập trung, nhiễm bệnh lá (đốm nâu, đốm đen, rỉ sắt) ở mức độ trung bình. Khối lượng 100 quả từ 145-150 gam, khối lượng 100 hạt từ 58-61 gam, tỷ lệ nhân từ 70-72%, có tiềm năng năng suất từ 50 - 55 tạ/ha. Vỏ hạt màu hồng, thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng, là giống chịu thâm canh cao. Trồng được cả 2 thời vụ trong năm (vụ xuân và vụ thu đông) trên đất có thành phần cơ giới cát pha, thịt nhẹ, dễ thoát nước. Năm 2009, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh Hải Dương đã đưa vào sản xuất thử tại hai huyện Nam Sách, Chí Linh đã cho kết quả tốt, bước đầu hoàn thiện qui trình kỹ thuật trồng giống lạc mới L23 tại tỉnh Hải Dương như sau:
* Yêu cầu về đất
Đất thích hợp nhất là đất có thành phần cơ giới là thịt nhẹ chủ động tưới, dễ thoát nước.
* Làm đất
Cày sâu 25 -30 cm, bừa kỹ và nhặt sạch cỏ dại trước khi lên luống rạch hàng.
*Thời vụ gieo
Vụ xuân Vụ thu, thu đông
10/02 - 15/02 20/7 -10/ 9
*Phân bón
+Lượng bón - Đạm urea: 80 - 100 kg/ha
- Lân super: 500 - 600kg/ha
- Ka li : 160 - 200kg/ha
- Phân chuồng: 15 - 20 tấn /ha (có thể thay thế phân chuồng bằng phân lân hữu cơ sông gianh với lượng là: 500 - 700 kg/ha).
- Vôi bột : 450 -500 kg/ha
+ Cách bón:
- Vôi bột bón lót 1/2 trước khi rạch hàng, 1/2 còn lại bón vào lúc vun gốc
- Toàn bộ lượng phân hoá học được trộn đều và bón lót vào hàng đã rạch sẵn
( hàng rạch sâu 10 -15 cm ), phân chuồng bón sau cùng, sau khi bón phân lấp một lớp đất dày 2-3 cm để hạt gieo không bị tiếp xúc trực tiếp vào phân.
* Kích thước luống và mật độ gieo
- Luống rộng 1,3 m (cả rãnh), sau khi lên luống hoàn chỉnh đảm bảo mặt luống rộng 1,0 m được gieo thành 4 hàng dọc theo chiều dài luống. Khoảng cách hàng cách hàng 25 cm và hốc cách hốc 18 – 20 cm gieo 2 hạt/hốc. Đất bãi bằng phẳng có thể trồng thành băng rộng 2 - 3 m, sau đó rạch hàng gieo, giữa các băng nên có rãnh thoát nước. Hạt lạc sau khi gieo được phủ 1 lớp đất dày 3 - 5 cm, đất phải đảm bảo đủ ẩm sau khi gieo (đặc biệt với vụ xuân).
* Chăm sóc
- Xới lần 1 (phá váng) : Khi cây có 2-3 lá thật (sau mọc 10 - 12 ngày)
- Xới cỏ lần 2 : Khi cây có 6 - 7 lá thật (trước khi ra hoa), xới sâu 5 - 6 cm sát gốc, không vun gốc.
- Xới cỏ lần 3 kết hợp vun gốc sau khi hoa rộ 7 - 10 ngày (chỉ nên vun nhẹ đất vào gốc lạc).
* Tưới nước
Trong vụ xuân sau khi trồng phải tưới đảm bảo độ ẩm đất để hạt nẩy mầm, nếu không đủ độ ẩm, gặp nhiệt độ thấp kéo dài sẽ làm mất sức nẩy mầm của hạt, làm giảm mật độ cây trên đơn vị diện tích. Ngoài ra nếu thời tiết khô hạn phải tưới vào 2 thời kỳ chính, trước khi ra hoa (cây có 6 - 7 lá) và thời kỳ làm quả. Tưới vào rãnh ngập 2/3 luống, để nước ngấm đều rồi tháo cạn.
Vụ thu, do thời vụ thường gặp mua lớn, thừa độ ẩm, nên phải chú ý tiêu thoát nước, tránh ngập nước sẽ làm thối hạt và mầm.
*Phòng trừ bệnh hại chết cây con
Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng thuốc trừ nấm Rovral 50WP 0,3g/kg hạt, hoặc phun Carbedazin 0,5 – 0,7 lít/ha.
* Phòng trừ bệnh lá
Dùng Daconil, Anvil, Bayleton 0,1- 0,3% hoặc zinhep 0,2%,Boocđô phun lần 1 sau mọc 25 - 30 ngày, lần 2 cách lần một 15 - 20 ngày để ngăn ngừa bệnh lá làm rụng lá sớm. Trong vụ xuân, cần chú ý phòng trừ bệnh héo xanh do vi khuẩn thường gây hại vào cuối vụ khi nhiệt độ, ẩm độ cao. Phun phòng bằng thuốc Starner 20WP, nồng độ sử dụng 18-20g/10 lít nước, khi cây bị bệnh phải nhổ bỏ và thu gom cây bệnh, tránh lây lan.
* Phòng trừ sâu hại chủ yếu
Sâu hại chủ yếu trên lạc là sâu khoang, sâu xanh, rệp. Nên sử dụng các loại thuốc trừ sâu nội hấp như: SHERPA 25EC, Padan 95SP...để phòng trừ. Chú ý cần phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời khi sâu ở tuổi 1 và tuổi 2.
* Thu hoạch và bảo quản
- Chọn ngày nắng ráo để thu hoạch. Thu hoạch khi qủa già chiếm khoảng 80 - 85% số quả trên cây đối với làm thương phẩm. Lạc để làm giống thu hoạch sớm hơn lạc thương phẩm từ 5 – 7 ngày. Sau khi nhổ, vặt quả, rửa sạch, phơi dưới nắng nhẹ đến khi vỏ lụa tróc ra là được.
- Phơi và bảo quản lạc giống: nhất thiết phải phơi trên nong, nia, sân đất (không phơi trực tiếp trên sân gạch, xi măng). Sau khi phơi phải để nguội sau đó cho vào bao nilon hoặc chum vại đậy kín để nơi khô mát.