12:50 PM , 29

Trang nhất » Sâu Bệnh Thời Vụ » Trên cây rau

Ruồi đục lá Liriomyza trifolii (Burgess)

11:22 AM, 2013-01-26

Họ: Agromyzyiidae; Bộ Hai Cánh (Diptera)

KÝ CHỦ

Đây là loài côn trùng phá hại trên nhiều loại cây như bầu bí dưa leo dưa gan, cà chua, ớt, đậu nành, đậu trắng…

ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI - SINH HỌC

Thành trùng rất nhỏ, dài từ từ 1,3 - 1,5 mm, màu đen bóng, nhưng một phần cơ thể, gồm cả phiến mai trên ngực có màu vàng. Mắt kép màu đen bóng. Cánh trước có chiều dài khoảng 1,4 mm, rộng 0,60 mm. Cánh sau thoái hóa còn rất nhỏ, màu vàng nhạt. Bụng và chân có nhiều lông, chân màu vàng, đốt chày và đốt bàn màu đen, bàn chân 5 đốt, đốt cuối có 2 móng cong màu đen.

Trứng rất nhỏ, màu trắng hồng, tròn, đường kính khoảng 0,2 mm.

Ấu trùng có chiều dài khoảng 2 mm, màu vàng nhạt khi mới nở, sau chuyển thành màu vàng đậm. Cơ thể có 10 đốt, miệng dạng móc câu màu đen. Thời gian phát triển của ấu trùng từ 3 - 4 ngày.

Nhộng có chiều dài khoảng 1,5 mm, rộng 0,7 mm. Thời gian phát triển của nhộng từ 6 - 8 ngày.


Thành trùng ruồi đục lá (Nguồn: Chi cục BVTV An Giang)

TRIỆU CHỨNG GÂY HẠI

Thành trùng hoạt động mạnh từ 7 - 9 giờ sáng và từ 4 - 5 giờ chiều. Thành trùng cái dùng bộ phận đẻ trứng rạch mặt lá tạo nhiều lỗ. Trong số đó có một số lổ chứa trứng, chỉ khoảng 1%, phần lớn các lỗ còn lại dùng làm thức ăn cho thành trùng cái và đực do chất lỏng tiết ra từ vết chích. Các lỗ đục thường xuất hiện ở chóp lá hay dọc theo 2 bìa lá.

  
Triệu chứng ruồi đục lá trên lá cải bẹ xanh và dưa hấu (Nguồn: Trần Thị Ba, ĐHCT)

Ruồi gây hại cho cây bằng cách đục thành những đường ngoằn ngoèo ở mặt trên lá, lúc đầu đường đục nhỏ, càng lúc càng to dần cùng với sự phát triển của cơ thể ấu trùng. Đường đục xuất hiện ở cả hai mặt lá nhưng thấy rõ nhất là ở mặt trên lá. Khi trưởng thành, dòi đục thủng biểu bì chui ra ngoài và làm nhộng trên mặt lá hay trên các bộ phận khác của cây hoặc buông mình xuống đất làm nhộng.

Các vết đục khắp mặt lá làm cho lá bị khô, trái nhỏ, giảm phẩm chất của trái, nếu trầm trọng làm năng suất giảm.

BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ

* Biện pháp canh tác:

+ Làm sạch cỏ chung quanh ruộng dưa trước khi xuống giống.

+ Cày sâu sau khi thu hoạch.

+ Áp dụng màn phủ nông nghiệp.

+ Xuống giống đồng loạt.

* Biện pháp sinh học:

Ngoài thiên nhiên ruồi có rất nhiều thiên địch. Nếu áp dụng thuốc trừ sâu nhiều sẽ làm cho mật số ruồi tăng cao và tạo thành dịch dễ dàng.

* Biện pháp hóa học:

Nếu mật số thiên địch trên 50% không cần áp dụng thuốc để trừ ruồi, nhưng nếu mật số thiên địch thấp, không thể khống chế mật số ruồi thì nên áp dụng thuốc khi cây con bắt đầu có lá mầm và lá thật đầu tiên. Ở những vùng ruồi có điều kiện nhân mật số nhanh thì cần áp dụng thuốc lại khi cần. Áp dụng thuốc nhóm gốc lân hoặc gốc cúc, kết hợp với sử dụng dầu khoáng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0.0

Bài cũ hơn

 Thăm dò ý kiến

Nội dung trang web có giúp bạn ?
Tổng câu trả lời: 12738

  Đăng nhập

  Liên kết

  • Cây giống
  •  Thống kê


    Đang Online 1
    Khách 1
    Người sử dụng 0