11:34 PM , 16

Trang nhất » Sâu Bệnh Thời Vụ » Trên Cây ăn quả

Bù lạch

5:00 PM, 2013-04-21

Bù lạch 

Họ: Thripidae - Bộ: Thysanoptera

Ðã phát hiện 2 loài Bù lạch hiện diện trên cây ăn trái  có Múi, bao gồm Scirtothrips dorsalis và Thrips sp., trong đó Scirtothrips dorsalis hiện diện quan trọng và phổ biến, Thrips sp. ít phổ biến, xuất hiện chủ yếu  trên hoa.

Bù lạch Scirtothrips dorsalis Hood          

Tên khoa học khác: Anaphothrips andreae Karny, Heliothrips minutissimus Bagnall, Neophysopus fragariae Girault, Scirtothrips andreae(Karny), Scirtothrips fragariae (Grault), Scirtothrips  minutissimus (Bagnall), Scirtothrips padmae Ramakrishna.

TÌNH HÌNH PHÂN BỐ VÀ KÝ CHỦ  

Phân bố ở các nước: Pakistan, Nhật Bản, các quần đảo Solomon, Úc, Pakistan, Ấn Ðộ, Bangladesh, Brunei Darussalam, Trung Quốc, Indonesia, Ðại Hàn, Mã Lai,  Myanmar, Phi Luật Tân, Sri Lanka, Thái Lan, Châu Phi,  Hoa Kỳ, Úc, Papua New Guinea, Việt Nam. 

Cây ký chủ: Ớt, Trinh  nữ, Thầu dầu, Ðậu phộng, Sen, Cam, Ðậu, Cây bông Hồng, Xoài, Trà, Nho, Ðiều, Hành, Dâu, Cao su, Bông vải, Keo và một số loại cỏ.

ÐẶC ÐIỂM HÌNH THÁI

Trứng hình bầu dục, mầu vàng nhạt.Ấu trùng tuổi 1 có cơ thể trong suốt, thân rất nhỏ, chân dài, râu đầu có 7 đốt, hình ống tròn. Sang tuổi 2, ấu trùng đã có kích thước tương tự với kích thước của thành trùng, râu dài  7 đốt, râu môi dưới có 3 đốt, không cánh, các lông trên cơ thể dài hơn lông ở  giai đoạn tuổi 1, đầu đã hoá cứng. Giai đoạn tiền nhộng có mầu vàng, râu ngắn, mập, 2 mầm cánh đã lộ ra ngoài cơ thể. Nhộng có mầu vàng sậm, mắt kép và mắt nhỏ có mầu đỏ, mầm cánh đã dài hơn, râu đầu ngắn. Nhộng Cái có phần cuối bụng nhọn, nhộng Ðực phần cuối bụng ít nhọn hơn. Thành trùng  có kích thước rất nhỏ, dài khoảng 0,1- 0,2 mm, mầu vàng đến vàng cam, cánh hẹp, hai bên rìa cánh có nhiều sợi lông nhỏ dài.


Thành trùng bù lạch Scirtothrips dorsalis

ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC VÀ GÂY HẠI

Sau khi vũ hóa khoảng 3 ngày thì con Cái bắt đầu đẻ trứng, số lượng trứng đẻ khoảng 20-25 trứng. Trứng thường được đẻ trong mô lá non, trái non hoặc trong cành non. Chu kỳ sinh trưởng kéo dài khoảng 13-20 ngày, giai đoạn nhộng 3-4 ngày. Sau khi hoàn thành giai đoạn tuổi 2,  một số ấu trùng sẽ rơi xuống đất để hóa nhộng, một số khác hóa nhộng trong các khe nứt của cây hoặc trong các lá cuốn lại. Tổng tích ôn hửu hiệu cho giai đoạn phát triển từ trứng đến thành trùng là 300oN với ngưỡng nhiệt độ sinh học tối thiểu là 14,6oC.  


Triệu chứng trái bị bù lạch gây hại 
(nguồn: Trần Văn Hai)

THIÊN ĐỊCH

Bù lạch  Franklinothrips megalops,  Scolothrips indicus và  Erythrothrips asiaticus là thiên địch phổ biến của S. dorsalis, ngoài ra loàiGeocoris ochropterus cũng được ghi nhận là thiên địch quan trọng của S. dorsalis

TẦM GÂY HẠI KINH TẾ 

Xuất hiện phổ biến vào giai đoạn ra hoa rộ (tháng 2-4 dl), cả thành trùng lẫn ấu trùng đều gây hại trên lá non, trái non. Trên trái, khi tấn công phần tế bào biểu bì, Bù lạch tạo ra những mảng xám hoặc những phần lồi mầu bạc trên vỏ trái. Do Bù lạch gây hại chủ yếu ở phía dưới lá đài nên khi trái lớn những mảng sẹo này lộ ra phía ngoài lá đài thành những vòng sẹo lồi rất đặc trưng. Trái dễ bị thiệt hại nhất là vào giai đoạn trái còn rất nhỏ (vừa rụng cánh hoa cho đến khi trái có đường kính khoảng 4 cm). 

Nếu mật số cao, Bù lạch  tấn công cả trên những trái lớn. Vết sẹo trên vỏ trái do Bù lạch gây ra sẽ làm mất giá trị thương phẩm của trái. Bù lạch gây hại chủ yếu trên các trái nằm ngoài tán lá cây (trảng). Trên lá non, nếu bị Bù lạch gây hại, lá sẽ bị biến mầu, cong queo. Gây hại quan trọng vào mùa nắng.

BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ  

Sử dụng biện pháp tưới nước  phun  lên cây  có thể hạn chế được mật số Bù lạch. 

Mặc dù không phải là lý tưởng nhưng cho đến nay, biện pháp hóa học vẫn là biện pháp được áp dụng phổ biến để phòng trị Bù lạch trên Cam quít. Nhiều loại thuốc tỏ ra có hiệu quả cao đối với Bù lạch, có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu phổ biến như  Comite, Carbosulfan, Phosalone, Benfuracarb, Prothiophos, Confidor, Regent, Trebon, Cypermethrin., Disulfoton, Sagolex.... tuy nhiên cũng giống Nhện gây hại, Bù lạch có thể lờn thuốc nhanh vì vậy khi cần thiết phải sử dụng thuốc, cần luân phiên  sử dụng các loại thuốc có gốc hóa học khác nhau. Chỉ sử dụng thuốc khi mật số Bù lạch đạt 3 con/trái non. Có thể sử dụng thuốc liên tiếp 2 lần, mỗi lần cách nhau một tuần lễ.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 1.0
Từ khóa: Bù lạch

Bài cũ hơn

 Thăm dò ý kiến

Nội dung trang web có giúp bạn ?
Tổng câu trả lời: 12738

  Đăng nhập

  Liên kết

  • Cây giống
  •  Thống kê


    Đang Online 1
    Khách 1
    Người sử dụng 0