4:02 PM , 19

Trang nhất » Sâu Bệnh Thời Vụ » Trên Cây ăn quả

Bọ xít Xanh Rhynchocoris poseidon Kirkaldy

4:48 PM, 2013-04-21

Bọ xít Xanh Rhynchocoris poseidon Kirkaldy

Họ: Pentatomidae -  Bộ: Hemiptera     

Tên khoa học khác: Rhynchocoris serratus (Donovan), Rhynchocoris humeralis (Thunberg).

TÌNH HÌNH PHÂN BỐ VÀ KÝ CHỦ  

Phân bố ở các nước Bangladesh,  Brunei,  Cambodia, Trung Quốc, Ấn Ðộ,  Indonesia, Lào, Mã Lai, Myanmar,  Singapore, Thái Lan,  Việt Nam.

Chủ yếu gây hại trên Cam, Quít,  Chanh.

ÐẶC ÐIỂM HÌNH THÁI

Thành trùng có mầu xanh lá cây, bóng với chiều dài cơ thể  20 - 22 mm, chiều rộng 15 - 16 mm. Kim chích hút dài đến cuối bụng. Rìa ngực trước có 2 gai nhọn, hai bên mép bụng có rìa răng cưa. Chính giữa mặt bụng có một đường nổi rõ rệt. 

 
Thành trùng bọxít xanh
(Nguồn: Trần Văn Hai)

Trong điều kiện tự nhiên ấu trùng có 5 tuổi, ấu trùng mới nở dài khoảng 2,5-3 mm. Ở các tuổi khác nhau, ấu trùng đều có mầu vàng tươi, trên ngực , cánh và bụng có nhiều đốm đen, các đốm rất to và đen sậm ở tuổi nhỏ, khi ấu trùng lột xác lớn lên, các đốm nhỏ dần. Mầm cánh của ấu trùng tuổi cuối đã lộ rất rõ bên ngoài cơ thể, dài khoảng 16 mm. 

Trứng rất tròn,  mới đẻ có mầu trắng trong, sau đó chuyển sang mầu vàng nhạt, khi sắp nở, trứng có mầu đen trên phần đầu.  


Ấu trùng bọ xít xanh
(Nguồn: Trần Văn Hai)

ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

Thành trùng thường hoạt động mạnh vào lúc sáng sớm hay chiều mát, hiện diện phổ biến trong các vườn rậm rạp. Khi trời nắng gắt, Bọ xít thường ẩn mình trong các tán lá. Thành trùng thường đẻ trứng thành từng ổ 10-15 trứng, xếp thành 2-3 hàng. Trứng được đẻ trên trái hoặc trên những lá gần bên những trái. Sau khi nở ấu trùng T1 thường sống tập trung quanh ổ trứng một thời gian sau đó phân tán đến các trái khác để hút dịch trái. Giai đoạn trứng kéo dài từ  6-8 ngày, ấu trùng 25-29 ngày. Toàn bộ chu kỳ sinh trưởng 32-38 ngày. 

KHẢ NĂNG GÂY HẠI   

Bọ xít tấn công trái khi trái còn rất nhỏ. Cả thành trùng lẫn ấu trùng đều dùng vòi để chích hút trái. Khi trái nhỏ bị gây hại, trái sẽ vàng, chai và rụng sau đó. Nếu trái lớn bị tấn công, trái có thể bị thối do bị bội nhiễm Nấm hoặc một số Vi sinh vật khác. Nơi vết chích có một chấm nhỏ với một quầng mầu nâu. Sự thiệt hại quan trọng nhất vào giai đoạn trái nhỏ. Một con Bọ xít trong một ngày có thể chích trên nhiều trái. 

THIÊN ÐỊCH 

Trong điều kiện tự nhiên, trứng của Bọ xít thường bị nhiều loài ong ký sinh như Trissolcus latisulcus, Anastatus spp. Nhiều công trình nghiên cứu tại Trung Quốc và Việt Nam cũng đã ghi nhận Kiến Vàng Oecophylla smaragdina có khả năng  khống chế sự gây hại của Bọ Xít một cách  rất có hiệu quả.

BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ  

Nuôi kiến vàng Oecophylla smaragdina trong các vườn Cam, Quít, Chanh.

Dùng vợt bắt Bọ xít vào lúc sáng sớm hay chiều mát, loại bỏ ổ trứng. 

Do Bọ xít chỉ gây hại chủ yếu trong những vườn um tùm, rậm rạp nên biện pháp xén tỉa cành, dọn dẹp vườn cho thông thoáng rất cần thiết để hạn chế sự gây hại của Bọ xít . 

Hàng tuần, vào giai đoạn vừa tượng trái cho đến một tháng sau đó nếu mật số Bọ xít đạt ngưỡng 1 con/cây, sử dụng thuốc hóa học để phòng trị, có thể phun thuốc từ 1-2 lần. Vườn có Bọ xít rất dễ phát hiện do Bọ xít tiết ra một mùi rất đặc trưng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0.0

Bài cũ hơn

 Thăm dò ý kiến

Nội dung trang web có giúp bạn ?
Tổng câu trả lời: 12738

  Đăng nhập

  Liên kết

  • Cây giống
  •  Thống kê


    Đang Online 1
    Khách 1
    Người sử dụng 0