6:22 AM , 20

Trang nhất » Khoa Học Chuyên Ngành » 2015 » Tháng một » 25

BIỆN PHÁP CANH TÁC TỔNG HỢP ĐỂ PHÒNG TRỪ BỆNH VÀNG LÁ GÂN XANH (BỆNH GREENING) TRÊN CÂY CÓ MÚI

6:27 PM, 2015-01-25
Gs. Ts. Nguyễn BảoVệ

Bộ môn Khoa học cây trồng, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng

Trường Đại Học Cần Thơ

 

Hầu hết nông dân trồng cây có múi đều biết bệnh vàng lá gân xanh (VLGX), vì bệnh nầy đã tàn phá gây thất thu nghiệm trọng nhiều vườn cây có múi (CCM) trong những năm qua. Bệnh do vi khuẩn (Liberobacter asiaticum) gây ra, nhưng cho đến nay chưa có giống kháng và cũng chưa có thuốc trị hữu hiệu bệnh nầy. Do đó, muốn thành công trong canh tác cây có múi, người nông dân cần áp dụng “Biện pháp canh tác tổng hợp” như sau:

 

1. Loại bỏ ngay nguồn bệnh ra khỏi vườn

            Để tránh sự lây nhiễm từ cây bệnh sang cây mạnh khỏe khác trong vườn, cần phải loại bỏ ngay nguồn bệnh ra khỏi vườn khi mới phát hiện. Những cây bệnh nặng phải đốn bỏ cả cây. Cây bệnh nặng là những cây có lá trên các nhánh mà thịt lá màu vàng nhưng gân lá vẫn còn xanh, kích thước lá nhỏ, chóp lá nhọn, mọc dựng đứng và xúm xít trên đọt; Cành bắt đầu chết khô từ ngoài đọt vào. Đối với cây có triệu chứng bệnh chỉ mới xuất hiện trên một vài nhánh, thì chỉ cần cắt bỏ ngay những nhánh đó. Cắt sớm kịp thời những nhánh bệnh có thể loại mầm bệnh ra khỏi cây. Nhánh mới, mọc lên từ chỗ cắt, vẫn mạnh khỏe bình thường. Nhưng thường người dân không cắt bỏ ngay, mà chờ thu trái trên cành nhánh đó. Việc làm nầy không tốt, vì cắt bỏ chậm cành bệnh sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập sâu vào thân chính và di chuyển đến những cành nhánh khác của cây làm hư luôn cả cây, không cứu chữa được sau nầy, đồng thời tạo điều kiện cho rầy chổng cánh chích hút mầm bệnh truyền qua cây không bệnh khác trong vườn. Do đó, nhà vườn phải đi thăm vườn thường xuyên, quan sát kỹ từng cành một, ít nhất mỗi tuần một lần. Cắt bỏ cành bệnh ngay khi phát hiện và cắt sâu vào gần đến thân chính.

2. Trồng cây sạch bệnh VLGX

Vi khuẩn gây bệnh VLGX sống trong mạch dẫn nhựa của cây, nên việc nhân giống bằng cách tháp, chiết, giâm cành (nhân giống vô tính) từ vật liệu lấy ở cây bệnh sẽ cho ra nhiều cây con có bệnh. Phần lớn nông dân trồng CCM mua cây giống từ những ghe bán cây giống. Mua giống trôi nỗi, không biết nguồn gốc rất bấp bênh về năng suất và phẩm chất trái sau nầy; đặc biệt là không biết rõ được cây con có mang mầm bệnh VLGX hay không. Đây là con đường phát tán nhanh chóng và rộng khắp bệnh VLGX trong thời gian qua. Do đó, nông dân trồng mới hoặc trồng dặm CCM phải trồng cây sạch bệnh VLGX do tự mình sản xuất, hoặc mua ở những cơ sở có điều kiện sản xuất cây giống sạch bệnh. Nếu mua cây giống mà không biết rõ nguồn gốc, phải dùng kit thử Iod VLGX: KIT VLG-SOFRI để loại bỏ những cây bị nhiễm bệnh VLGX. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần có những biện pháp quản lý việc mua bán giống CCM trôi nỗi, đồng thời tổ chức thực hiện với sự tham gia của nông hội, đoàn thanh niên, phụ nữ và câu lạc bộ làm vườn, nhất là vận động ý thức trồng cây giống sạch trong các nhà vườn.

3. Diệt rầy chổng cánh

            Bệnh VLGX không những lây truyền qua con đường nhân giống mà còn lây truyền qua côn trùng môi giới là rầy chổng cánh (Diaphorina citri). Thành trùng có màu xám đen, chiều dài từ đầu đến cuối cánh 2,5 - 3,0 mm, khi đậu thân nghiêng thành một gốc 30 độ so với mặt lá, nên được gọi là rầy chổng cánh. Vòng đời rầy chổng cánh thường 8 tuần, cả hai thành trùng và ấu trùng đều có khả năng truyền bệnh. Do đó, trong canh tác CCM phải loại trừ dần rầy chổng cánh.

            Trứng rầy chổng cánh được đẻ trên những chồi non, và ấu trùng phát triển trên những lá non, nên mật số rầy chổng cánh có liên quan chặt chẻ với nhịp độ ra chồi non. Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, mật số rầy tăng cao ở  tháng 5 và 6 và duy trì đến cuối mùa mưa, vì trong thời gian nầy CCM ra chồi thường xuyên. Trong canh tác cần áp dụng biện pháp bón phân và tưới nước, nhất là phân đạm, để điều khiển cho vườn CCM ra chồi non đồng loạt. Khi vườn CCM bắt đầu ra chồi non, cần đặt bẩy để theo dõi sự xuất hiện của rầy chổng cánh. Bẩy là một miếng plastic phẳng màu nâu-vàng, dài 25 cm và rộng 15 cm, được bọc bởi nylon có phủ bên ngoài một lớp keo. Đặt khoảng 5 cái bẩy rải rác trong vườn ở độ cao khoảng ngang đầu. Hàng ngày quan sát bẩy cũng như quan sát các đọt non CCM sự xuất hiện của rầy. Khi có rầy tiến hành phun ngay theo phương pháp 4 đúng, một trong những loại thuốc như Admire 50EC, Baythroid 50SL, Bassa 50EC, Trebon 10EC pha ở nồng độ 1 phần ngàn, hay Regent 800WG pha ở nồng độ 0,03 phần ngàn.

 Bọ rùa, nhện, ong và kiến vàng là những thiên địch của rầy chổng cánh cần được nuôi dưỡng để diệt rầy chổng cánh.    Khi CCM không còn chồi non, thành trùng rầy chổng cánh ít hoặc không đẻ trứng trên CCM mà tập trung đẻ trứng trên những cây ký chủ phụ như cằng thăng, nguyệt quới, kim quýt, dây tơ hồng để tiếp tục sinh sống, đây là nơi sinh sống bảo tồn rầy trong mùa khô. Phải loại bỏ các cây ký chủ phụ trong vườn, hoặc theo dõi tiêu diệt rầy trên những loại cây nầy cũng giống như trên CCM.

4. Làm cây sung mãn

            Cây có múi bị thiệt hại do bệnh VLGX trở nên trầm trọng hơn khi cây bị suy yếu, chẳng hạn như cây mang quá nhiều trái, xiết nước cho ra trái quá độ, cây thiếu chăm sóc, hoặc bị ngập do lũ lụt... Do đó phải làm cho cây sung mãn để giảm thiệt hại đồng thời hạn chế phát tán bệnh trong bản thân cây bệnh. Một vài biện pháp kỹ thuật canh tác sau đây cần lưu ý như: (1) Xiết nước ra bông hạn chế:là không để cho cây bị thiếu nước trầm trọng, gây xào rụng lá. Không để mực nước trong mương xuống quá thấp trong lúc xiết nước gây chết rễ lúc tưới trở lại, giữ nước ổn định khoảng 60-80 cm cách mặt líp. Như vậy CCM không ra quá nhiều bông, trái vượt quá sức nuôi dưỡng của cây; (2) Phun phân kẽm:Bệnh thiếu kẽm là một bệnh rất phổ biến ở những vùng trồng CCM, nhất là khi cây bị bệnh VLGX. Cần thiết phải phun kẽm ở dạng Humic acids-Zn ở nồng độ 500 - 1.000 ppm lên lá non CCM khi lá có chiều dài 1-2 cm; (3) Làm cho đất thoáng khí: Vườn phải có đê bao, cống bọng tốt và máy bơm nước để giữ nước; Bón phân hữu cơ để làm đất tơi xốp, có thể bón  đến 7-8 tấn phân hữu cơ/ha/năm; Để cỏ trên mặt líp và định kỳ cắt cỏ rồi để lại tại chỗ; Chỉ vét bùn mương trong mùa nắng đấp thành lớp mỏng trên líp cho mau khô; (4) Bón phân cân đối:Sau khi thu hoạch, bón cân đối N, P, K, Ca... nhất là nhiều N. Khi cây chuẩn bị cho ra bông thì cần bón nhiều P để cây thụ phấn tốt sau nầy. Khi cây đã đậu trái và trong thời gian trái phát triển thì chất K và Ca được bón nhiều để tăng phẩm chất.

5. Xã hội hóa biện pháp canh tác tổng hợp

Con người là nhân tố quyết định làm cho bệnh VLGX ngày càng ít đi hoặc bộc phát mạnh hơn. Người nông dân trồng CCM tuy có biết về bệnh nầy nhưng chưa thấu đáo và cũng chưa có biện pháp phòng chống tích cực. Do đó, phải có con người hiểu biết và tự giác ngăn ngừa và loại dần bệnh, khôi phục lại vùng CCM sạch bệnh là yếu tố quyết định. Vấn đề là người trồng CCM phải đồng tình áp dụng một cách tích cực thì biện pháp nầy mới có hiệu quả. Cần thiết phải xã hội hóa sâu rộng trong nhân dân biện pháp canh tác tổng hợp. Vì trong vùng trồng CCM, chỉ cần vài vườn không áp dụng triệt để biện pháp nầy, thì những vườn đó sẽ là ổ bệnh tiếp tục phát tán mầm bệnh ra xung quanh. Những người hiểu biết về biện pháp nầy có trách nhiệm phải hướng dẫn lại những người chưa biết. Giúp cho những vườn quanh mình sạch bệnh cũng là biện pháp để bảo vệ cho vườn của mình không bị lây nhiểm. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0.0

Bài cũ hơn

 Thăm dò ý kiến

Nội dung trang web có giúp bạn ?
Tổng câu trả lời: 12738

  Đăng nhập

  Lịch

«  Tháng một 2015  »
Cn234567
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031

  Liên kết

  • Cây giống
  •  Thống kê


    Đang Online 1
    Khách 1
    Người sử dụng 0