3:07 PM , 20

Trang nhất » Làm Kinh Tế » 2013 » Tháng mười hai » 18

Rau an toàn trên đất khô cằn

6:32 PM, 2013-12-18
Khắc phục những khó khăn về điều kiện đất đai và khí hậu, một số hộ nông dân ở huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) đã trồng rau theo hướng an toàn để cung ứng cho thị trường tại địa phương. Dù số lượng chưa nhiều nhưng trồng rau thương phẩm đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân này.

Sau một thời gian thuê đất tại huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) để trồng rau, vợ chồng anh Cấn Văn Hiệp đã trở về thôn 3 (xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh) để trồng rau trên chính mảnh đất mà vợ chồng anh đã bỏ hoang hoá trước đây. Lý do anh trở về vùng đất xã Quảng Trị để trồng rau là vì để thuê được 3.000 m2 đất ở TP Hồ Chí Minh, hàng tháng anh phải tốn chi phí khá lớn. Vì vậy, lợi nhuận thu không được bao nhiêu trong khi tiền sinh hoạt cho cả gia đình lại quá cao. Từ giữa năm 2013, cả gia đình anh đã chuyển về Quảng Trị để thử sức mình trên mảnh đất khô cằn được trồng điều trước đây. Anh chia sẻ: "Ban đầu, tôi cũng rất lo lắng vì không biết địa thế, chất đất ở đây có thể trồng được rau không. Hơn nữa, nguồn nước lại rất khan hiếm. Khi mới về, tôi đã khoan liên tiếp 4 giếng để lấy nguồn nước tưới nhưng tất cả đều không sử dụng được vì nhiễm phèn rất nặng. Rất may sau đó tôi lại đào được một giếng với nguồn nước khá tốt nên bắt tay vào việc trồng rau”. 

Để trồng thử nghiệm, anh Hiệp đã cải tạo 2.000 m2 đất để trồng các loại rau như mồng tơi, cải ngọt, rau muống… Đến nay, sau 6 tháng vừa trồng vừa cải tạo đất, vườn rau của anh Hiệp đã phát triển khá tốt. Với những kinh nghiệm trồng rau trước đây, anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 50 triệu đồng để làm nhà lưới cho vườn rau của mình. Với nhà lưới này, rau ít sâu bệnh nên hạn chế dùng thuốc trừ sâu. Thêm vào đó, phân bón chủ yếu sử dụng là phân vi sinh nên vườn rau nhà anh Hiệp được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng vì mức độ an toàn. Hiện tại, với gần 60 luống rau đủ chủng loại, mỗi ngày anh đều có rau cung cấp cho thị trường với số lượng từ 100 – 150 kg. Anh Hiệp cho biết: "Rau trồng tại địa phương hoàn toàn có thể cạnh tranh được với rau chuyển từ nơi khác đến như Phương Lâm, Đà Lạt. Bởi lẽ, rau trồng tại chỗ luôn tươi ngon và không phải mất chi phí vận chuyển. Chính vì điều này mà các mối rau tại địa phương lựa chọn ngày càng nhiều, có nhiều ngày không đủ lượng rau để giao”. 

Trồng rau từ tháng 9/2012, đến nay mỗi ngày anh Nguyễn Văn Tâm (thôn 1, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh) có thể cung cấp cho thị trường 60 – 70 kg rau. Với số lượng sản xuất như vậy, mỗi tháng anh Tâm thu lời khoảng 10 triệu đồng. Anh Tâm cho biết: "Trồng rau chủ yếu là tốn công và để đảm bảo độ an toàn thì phải thường xuyên nhổ cỏ chứ không dùng thuốc xịt. Vì diện tích của gia đình nhỏ, chỉ khoảng 1.500 m2, nên hàng ngày rau đều không đủ bán”. Diện tích trồng rau hiện tại do gia đình anh Tâm đi thuê. Dự định của anh là tìm vị trí đất có nguồn nước thuận lợi để mở rộng sản xuất. Ngoài xã Đạ Kho, Quảng Trị, một số hộ dân tại thôn Lộc Hoà (xã Đạ Lây) cũng duy trì nghề trồng rau như một nghề truyền thống mà các hộ dân này mang từ Huế vào. Ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch UBND xã Đạ Lây, cho biết: "Nghề trồng rau phát triển mạnh nhất tại xã vào khoảng năm 1997. Hiện tại, diện tích và số hộ trồng rau có giảm nhưng vẫn còn hộ duy trì với diện tích vài trăm mét vuông mỗi hộ. Rau trồng chủ yếu được tiêu thụ trong xã nhưng cũng cải thiện thu nhập đáng kể cho các hộ dân”.

Do khí hậu tại huyện Đạ Tẻh khá khắc nghiệt nên điều kiện quan trọng nhất để có thể trồng rau là phải chủ động được nguồn nước tưới. Theo ông Lê Văn Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Trị, vấn đề nước tưới có thể giải quyết được vì trên địa bàn xã có nguồn nước từ sông Đạ Tẻh và suối Đạ Kho. Ngoài ra, hiện tại hệ thống kênh mương đã được đầu tư khép kín. Đặc biệt, kênh ĐN12 dẫn nước từ hồ Đạ Tẻh về xã sẽ hoàn thành trong năm 2014. Tại xã Quảng Trị, đất sản xuất rất thiếu. Do đó, việc lựa chọn trồng những loại cây ngắn ngày là rất phù hợp. Từ mô hình trồng rau theo hướng an toàn của gia đình anh Hiệp, sắp tới xã sẽ xem xét những khu vực phù hợp để khuyến khích bà con chuyển đổi sang trồng rau. Đồng thời, sau khi đánh giá hiệu quả từ mô hình trồng rau, xã cũng sẽ tìm nguồn kinh phí từ các chương trình khuyến nông, khuyến công để hỗ trợ nông dân mở rộng và phát triển sản xuất rau theo hướng an toàn”.

Theo nhận định của những nông dân trồng rau, nếu diện tích trồng rau trên địa bàn huyện mở rộng khoảng 5 - 7 ha thì sẽ đủ nhu cầu cung ứng tại huyện. Nếu mở rộng hơn có thể tính đường tiêu thụ tại các huyện lân cận như Đạ Huoai, Cát Tiên. Đây được xem là hướng đi mới có hiệu quả, giúp người nông dân cải thiện kinh tế đáng kể. 

Hữu Sang/ Báo Lâm Đồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0.0

Bài cũ hơn

 Thăm dò ý kiến

Nội dung trang web có giúp bạn ?
Tổng câu trả lời: 12738

  Đăng nhập

  Lịch

«  Tháng mười hai 2013  »
Cn234567
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
293031

  Liên kết

  • Cây giống
  •  Thống kê


    Đang Online 1
    Khách 1
    Người sử dụng 0