7:00 PM , 29

Trang nhất » Làm Kinh Tế » 2013 » Tháng mười hai » 31

Nghệ An: Mùa phù sa

1:06 PM, 2013-12-31

Nguồn tin: Báo Nghệ An, 30/12/2013

Những cơn lũ cuối tháng 10 qua đi, dọc đôi bờ sông Lam lại ngát xanh cây trái. Qua các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông (Nghệ An)… ngô, bí, bầu, rau đua nhau trải dài, nông dân tranh thủ ra bãi gieo trồng và chăm sóc cây trên đất phù sa…

Ở Bồng Khê - Con Cuông, ngô bãi tốt bời bời, trải dài tít tắp hai bên bờ sông Lam. Nông dân Bồng Khê tận dụng lợi thế của đất bãi sau mùa lũ, lượng phù sa về nhiều để thâm canh ngô, ớt cay xuất khẩu. Nhưng theo như bà con cho biết thì trồng ngô là dễ nhất, dễ làm, dễ chăm sóc, dễ bán. Chưa có khi nào ngô bị ế. Thương nhân từ xa đánh xe ô tô về mua luôn ngô tươi, bà con không cần phải phơi sấy, giá ngô tươi 4.000đ/kg, còn ngô khô giá 6.300đ/kg. Anh Nguyễn Văn Quang - thôn Vĩnh Hoàn – Bồng Khê có 1,8 sào đất bãi, đã thuê thêm đất của một hộ khác để gieo ngô đông, tổng cộng là 6 sào.

Anh Quang cho biết: Với 6 sào ngô vùng bãi đem lại thu nhập chính của cả nhà. Năng suất ngô đạt 8 tạ/ sào, thu nhập một năm 2 vụ đạt 8 - 9 triệu đồng, còn nếu làm 3 vụ thì được khoảng 10 triệu đồng. Ngoài trồng ngô, gia đình còn chăn nuôi thêm trâu, gà, lợn vì có nhiều thức ăn. Ngày mùa anh trồng ngô cùng vợ, khi ngô tốt không cần nhiều công chăm sóc, anh tranh thủ đi làm thợ kiếm thêm thu nhập. Hỏi về cây ớt cay xuất khẩu ở Bồng Khê anh cho biết: "Cây ớt khó tính lắm, phải đầu tư lớn, nhiều người lại lo sợ đầu ra. Chứ ngô thì bao giờ cũng bán được. Người trong làng tổ chức mua luôn cho bà con sau đó tập trung lại một nơi để bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh”. Gia đình chị Nguyễn Thị Mười ở thôn Vĩnh Hoàn cũng có 2 sào ngô, dù trời rét đậm nhưng chị cũng ra đồng tích cực chăm sóc ngô. Để có năng suất cao chị đầu tư một 1 sào khoảng 2 tạ phân NPK và 3 yến ure.


Trồng bí xanh ở Cẩm Sơn (Anh Sơn)

Chủ tịch xã Bồng Khê, ông Nguyễn Văn Hùng cho hay: Bồng Khê có 194 ha đất bãi, 12 xóm nằm ở hai bên bờ sông Lam. Đất bãi là đất canh tác chủ yếu của bà con ở đây. Mùa này là mùa sản xuất chính, nông dân Bồng Khê trồng ngô, cà dừa, ớt, đậu và lạc xuân. Thu nhập từ ngô đạt 70 triệu đồng/ha, còn thu nhập từ rau màu thực phẩm đạt 150 triệu đồng/ha. Đất bãi đã sản xuất một năm 3 vụ.

Còn ở Cẩm Sơn, Anh Sơn – một xã có diện tích vùng bãi lớn, nông dân đang khẩn trương làm giàn trồng bí. Khắp vùng bãi Cẩm Sơn tua tủa giàn nứa, những mầm bí xanh bắt đầu leo hứa hẹn mùa quả sai. Vụ bí xuân hè vừa qua, nông dân Cẩm Sơn được mùa toàn diện, với giá bí bình quân 14.000 đồng/kg, bà con vùng bãi đã có thu nhập 1 sào bí đạt 14 triệu đồng trong 3 tháng, năng suất đạt 1 tấn/sào. Năng suất này không phải là cao (bình quân 1,5 tấn/ ha), nhưng giá lại cao, vì vậy vụ này bà con đang mở rộng diện tích. Ông Nguyễn Trường Long - Bí thư Chi bộ xóm Hội Sơn - một xóm trồng bí nhiều và hiệu quả nhất ở Cẩm Sơn phấn khởi khoe: "Xóm tôi có 68 hộ trồng bí, là xóm có diện tích bí lớn nhất xã với 22,5 ha. Năm nay, giá bí lên cao, ai ai cũng thắng lớn nên năm nay bà con chỉ đợi nước lũ rút, phù sa se lại là xuống bãi làm đất gieo trỉa.

Nhà tôi sau dồn điền đổi thửa có 9 sào bí, vụ vừa qua thu hoạch được hơn 9 tấn, trừ đi chi phí còn lãi 126 triệu đồng. Đó thực sự là món tiền lớn mà không có cây con gì mang lại được ngoài bí!” Ông Long cho biết: "Đất phù sa tốt lắm, chẳng phải tốn kém phân bón nhiều. Các xứ đồng đối diện bên kia đường 7 còn sang bãi lấy phù sa về để lót dưới hốc đất có gieo hạt”. Sau dồn điền, đổi thửa, mỗi gia đình ở Cẩm Sơn chỉ còn 1 khoảnh, nhà nào nhà nấy yên tâm đầu tư. Bà con còn đầu tư máy cày làm đất, máy múc, máy ủi và đầu tư hệ thống tưới cho bí. Anh Nguyễn Minh Thế, Nguyễn Văn Quảng (xóm Hội Lâm), Đậu Văn Dũng (xóm Cẩm Thắng)… đều là các hộ trồng nhiều và có hiệu quả trên vùng bãi. Ở Cẩm Sơn, không có một mét vuông nào của đất bãi mà không phủ màu xanh cây trái.

Bí thư Chi bộ xã Cẩm Sơn, ông Trần Quốc Tuấn chỉ cho chúng tôi những cánh đồng bí trải dài được đầu tư bài bản khắp các xóm Hội Lâm, Hạ Du, Cẩm Thắng và cho biết: Cẩm Sơn, đã biết trồng bí từ năm 2006 và diện tích ngày càng mở rộng, kỹ thuật thâm canh cao, người dân đã thành thục không cần phải tập huấn nữa. 1 năm 2 vụ bí xanh, thêm 2 vụ cà hoặc dưa hấu, đậu xanh, thu nhập 1 ha ở đây đã đạt trên 300 triệu đồng/năm, là con số cao nhất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Ngoài Cẩm Sơn, nông dân các xóm Cẩm Thắng, Hạ Du cũng say mê với bí. Tiết trời rét đậm nhưng bà con vẫn ra bãi bắc giàn, làm đất, phủ ni lông cho bí. Đến nay Anh Sơn đã gieo trỉa được 3.019 ha trên đất bãi với ngô, bí, rau màu, trong đó bí 107 ha, ngô 1.170 ha, khoai lang 300 ha… Đất bãi, đất màu đang là mùa giàu chất dinh dưỡng, cây cối mặc giá rét vẫn sinh trưởng tươi tốt.

Trồng bầu ở vùng bãi Hưng Nhân, Hưng Nguyên

Không chỉ Cẩm Sơn, Đỉnh Sơn, nông dân các xã Tường Sơn, Vĩnh Sơn, Phúc Sơn, Thạch Sơn, Tào Sơn… cũng đã phủ xanh đất bãi. Xã Tào Sơn vụ đông xuân 2013 đã trồng được 50 ha rau màu thực phẩm còn Phúc Sơn 15 ha bí là năm đầu tiên trồng đại trà. Huyện Anh Sơn hướng dẫn bà con trồng theo chương trình VietGap, Chi cục Bảo quản nông, lâm, thủy sản Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập huấn kỹ thuật cho những xã mới triển khai. Bí quả vì vậy đạt chất lượng an toàn thực phẩm, các chế phẩm vi sinh đang được thay thế cho hóa chất.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn- ông Nguyễn Văn Thế cho biết: đất vùng bãi ở Anh Sơn đã quay vòng 1 năm 3 vụ, đây là hệ số quay vòng lớn mà chỉ nơi nào người dân cần cù siêng năng mới làm được. Người dân vùng bãi coi đất vùng bãi là đất vàng, mang lại thu nhập chính cho bà con mỗi năm 300 triệu đồng/ năm, trong đó từ bí xanh đã đạt 240 triệu đồng.

Sông Lam mùa này êm ả trôi, không hung dữ như cữ tháng 9, tháng 10. Xuôi xuống hạ du, vùng bãi Hưng Nguyên, Nam Đàn mùa này cũng trải dài màu xanh của ngô, rau màu các loại.

Giữa cái rét cắt da cắt thịt ở ven sông, chị Bùi Thị Nguyệt xóm 7, Hưng Nhân phấn khởi thu hoạch lứa cải xen trong ngô để đi chợ. Rau cải đang được giá, chị Nguyệt bán được 3 ngàn đồng/bó tại chợ Mý. Nhà chị Trần Thị Thuần cùng xóm cũng đang thu hoạch rau cải. Chị Thuần cho hay: Khi ngô vừa bén, cả làng ra rắc hạt cải lên giữa đồng ngô. Sau khoảng 10 ngày sau là có thể "ton” đi bán. Cải không lớn đồng đều, nên bà con nhổ những cây cải lớn bán trước, 5 ngày sau lại ra nhổ tiếp lứa sau. "Trời làm mất bắt đất phải đền”, bà con lại tranh thủ nước lũ rút là gieo trỉa bí, rau cải. Cứ như vậy cả tháng qua, nông dân Hưng Nhân có thu hoạch thường xuyên từ vùng bãi. Bình quân một tuần thu hoạch rau cải được 2 lứa, mỗi lứa được khoảng 300 ngàn đồng, đủ để đi chợ mua thức ăn. Người dân Hưng Nhân còn trồng ngô cho bò ăn thay cỏ. Ở đây gia đình nào cũng có 3 - 4 con bò nên nhu cầu thức ăn rất lớn trong điều kiện cỏ tự nhiên khan hiếm. Vì vậy, bà con đợi ngô tốt là thu hoạch tỉa cho bò ăn. Đây là một tư duy mới mà không phải ở đâu cũng làm được. Đến nay Hưng Nhân đã khép kín diện tích vùng bãi.

Bà con các xã ven sông Lam của Nam Đàn cũng đã tranh thủ xuống đồng phủ xanh hơn 3.000 ha ngô đông và rau. Đến nay ngô đã xanh tốt bời bời khắp Khánh Sơn, Nam Lộc, Nam Cường…. Nông dân Nam Cường sau khi lũ rút không cần làm đất, họ hối hả vãi hạt cải, vãi hạt mùi, xà lách lên lớp phù sa còn non. Rau tốt nhanh, bán lúc thị trường đang khan rau và được giá. Khai thác lợi thế tiềm năng vùng bãi là một chủ trương đúng mà nhiều địa phương có sông Lam chảy qua đã làm rất tốt, đem lại thu nhập cao cho người dân. Từ cách làm tự phát trong người dân, phòng Nông nghiệp một số huyện đã tổ chức cho nông dân sản xuất theo hướng VietGap để được tập huấn kỹ thuật và được hưởng hỗ trợ của nhà nước theo chính sách " Sản xuất nông nghiệp tốt ”. Đặc biệt vấn đề sử dụng phân bón và các chất phụ gia được tập huấn để sử dụng hợp lý không dư hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bà con cho biết: Sản phẩm từ vùng bãi hiện không có mà bán. Bí xanh có bao nhiêu cũng bán hết. Đó thực sự là niềm vui sau những đợt mưa lũ lớn gây mất mát cho sản xuất nông nghiệp vừa qua.

Châu Lan


Tổng số điểm của bài viết là: 0.0

Bài cũ hơn

 Thăm dò ý kiến

Nội dung trang web có giúp bạn ?
Tổng câu trả lời: 12738

  Đăng nhập

  Lịch

«  Tháng mười hai 2013  »
Cn234567
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
293031

  Liên kết

  • Cây giống
  •  Thống kê


    Đang Online 1
    Khách 1
    Người sử dụng 0